Sữa đậu nành là một thức uống chứa nhiều dưỡng chất và mang lại những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Thay vì đi mua ngoài hàng không an toàn và đảm bảo chất lượng, Chuyencuannang25+ sẽ giới thiệu đến bạn 1 cách làm sữa đậu lành cực kì dễ dàng, ngon mà sạch có thể áp dụng ngay tại nhà qua bài viết Cách Làm Sữa Đậu Nành Bằng Máy Xay Sinh Tố Cực Ngon Tại Nhà. Nàng nào thấy mình hay đoảng thì cứ yên tâm mà áp dụng nha!
Tác dụng của sữa đậu nành là gì? Tại sao nên bổ sung?
Bổ sung Protein cần thiết từ thực vật
Nguồn protein cung cấp cho cơ thể chủ yếu đến từ động vật như thịt, tôm, cua, cá,…. Tuy nhiên, việc cung cấp protein từ thực vật như đậu nành sẽ giúp cơ thể cân bằng được lượng calo và tránh sự dư thừa năng lượng dẫn đến béo phì. Do vậy mà bạn có thể đưa sữa đậu nành vào thực đơn nếu bạn đang có ý định giảm cân nhé.
Tốt cho hệ tim mạch
Trong đậu nành có chứa Omega-3, Omega-6 trực tiếp tham gia vào hệ tuần hoàn giúp ngăn ngừa được các hiện tượng như xơ vữa động mạch, tích lũy cholesterol trên thành mạch máu, tắc nghẽn mạch máu hay ngăn cản sự hình thành các gốc tự do.
Ngăn ngừa tăng đường huyết
Chất xơ có trong sữa đậu nành có tác dụng hạn chế hấp thụ đường vào trong máu, giúp cơ thể cân bằng đường huyết và không bị thiếu hụt hormone insulin. Chúng ta có thể đưa sữa đậu nành vào khẩu phần ăn cho người bị tiểu đường để duy trì lượng đường trong máu ở mức ổn định.
Ngăn ngừa quá trình loãng xương
Hạt đậu nành có chứa hàm lượng Canxi và Vitamin D rất tốt cho xương khớp. Nên việc uống sữa đậu nành cũng giúp ích vào ngăn ngừa sự lão hóa của xương.
Hỗ trợ cân bằng nội tiết tố
Lượng phytoestrogen có trong đậu nành có thể trở thành nguồn bổ sung estrogen tự nhiên cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là phái nữ. Các thành phần này sẽ hỗ trợ làm cân bằng nội tiết tố nữ, giúp ngăn ngừa rụng tóc, da nhăn nheo, suy giảm trí nhớ.
Cách Làm Sữa Đậu Nành Bằng Máy Xay Sinh Tố Cực Thơm Ngon, Đơn Giản Tại Nhà
Các bước để làm sữa đậu nành bằng máy xay sinh tố bao gồm
Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu
- Đậu nành: 500 gram (nên chọn những hạt đậu nành căng tròn, không bị sâu, héo hay mốc)
- Nước: khoảng 1.5 lít nước
- Lá dứa
- Máy xay sinh tố, nồi nấu, muỗng khuấy
- Khăn lọc
Bước 2: Sơ chế đậu nành
Đầu tiên, bạn mang đậu nành ngâm trong nước sạch khoảng 8 tiếng cho hạt đậu nở đều. Loại bỏ những hạt lép, hạt hỏng nổi trên mặt nước. Khi hạt nở hết, bạn dùng tay để chà xát qua làm sạch lớp vỏ bên ngoài, sau đó rửa đậu lại với nước sạch. Bạn nhớ xả hết phần bọt nhé.
Nếu bạn muốn có sữa đậu nành nóng hổi uống vào buổi sáng, tốt nhất bạn nên ngâm đậu từ tối hôm trước.
Lá dứa rửa sạch và để ráo, rồi gập đôi lại và bó thành một bó. Máy xay sinh tố rửa sạch và để sang một bên cho khô.
Bước 3: Xay đậu nành
Đậu nành sau khi sơ chế xong, bạn cho đậu nành vào máy xay sinh tố và xay nhuyễn với nước. Để sữa ngon nhất bạn nên xay đậu với tỷ lệ 4 muỗng canh đậu nành và 350ml nước.
Tuy nhiên, bạn cũng có thể thay đổi lượng nước theo sở thích và khẩu vị của gia đình: tăng lượng nước nếu bạn muốn uống loãng, hoặc giảm lượng nước đi một chút nếu bạn muốn uống đặc.
Xay đậu trong khoảng 2 phút cho đến hỗn hợp nhuyễn mịn. Bạn lưu ý cứ 30 giây nên nghỉ một lần để tránh cho máy xay bị nóng. Ngoài ra, bạn có thể cho thêm đậu phộng hoặc vừng trắng vào xay cùng nếu muốn sữa có hương thơm, vị ngậy hơn.
Bước 4: Lọc, vắt lấy phần nước và bỏ phần bã đậu
Đổ hỗn hợp đậu nành đã xay nhuyễn ra tấm vải lọc và tiến hành lọc lấy phần nước bỏ phần bã, lọc như vậy khoảng 2 lần để nước đậu được mịn hơn. Vắt phần bã giữ nguyên trong tấm khăn lọc để lấy kiệt nước đậu, sau đó nhúng vào nước nhiều lần đến khi nước không đục nữa thì mới bỏ bã để tránh lãng phí.
Bước 5: Đun sữa đậu nành
Tiếp theo, bạn cho phần nước đậu vừa vắt được vào nồi, đun sôi cùng với lá dứa đã chuẩn bị trước để dậy mùi thơm. Khi nước đậu nành đã sôi, bạn để lửa riu riu tầm 5- 7 phút rồi tắt bếp.
Chú ý, bạn nên để nhỏ lửa khi đun sữa và nhớ khuấy đều tay để đậu không tiếp xúc với đáy nồi quá lâu, dẫn đến việc sữa đậu nành bị bén ở đáy nồi và có mùi khê.
Bước 6: Hoàn thiện thành phẩm
Sau khi làm xong hết các công đoạn, bạn cho sữa đậu nành ra và để nguội. Bạn có thể thưởng thức sữa đậu nành nóng hoặc lạnh tùy sở thích.
Nếu bạn thích ngọt thì bạn có thể cho thêm đường vào sữa đậu nành để dễ uống hơn. Sữa đậu nành nên cho vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản được lâu. Bạn chỉ nên để sữa đậu nành được làm bằng máy xay sinh tố trong tủ lạnh khoảng 1-2 ngày thôi nhé để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình.
Như vậy, bạn đã có được ly sữa đậu nành thơm ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng chỉ với vài bước đơn giản mà không phải tốn quá nhiều công sức. Mình nghĩ là ai cũng có thể làm sữa đậu nành bằng máy xay sinh tố với cách làm đơn giản này. Chúc bạn sớm làm thành công và tạo ra một đại tiệc sữa đậu nành thật ngon và bổ dưỡng cho cả gia đình thưởng thức nhé!
Những lưu ý cần tránh khi dùng sữa đậu nành
- Không uống sữa đậu nành quá nhiều cùng một lúc. Người lớn dùng không quá 500ml một lần.
- Không nên uống sữa đậu nành vào buổi tối, sẽ dễ gây đầy bụng và khó tiêu.
- Không nên dùng đồng thời trứng với sữa đậu nành vì Trypsin có trong đậu nành là tác nhân có thể làm giảm giá trị dinh dưỡng của cả 2 loại.
- Không nên pha sữa đậu nành với đường đỏ vì các chất protein, canxi trong sữa đậu nành sẽ kết hợp với các axit hữu cơ như axit lactic , axit axetic… có trong đường đỏ sẽ tạo thành các hợp chất biến tính có hại ảnh hưởng tới sự hấp thu và tiêu hóa của cơ thể.
- Không nên uống sữa đậu nành khi đói, vì hầu hết các protein trong đậu nành sẽ được tiêu thụ trong cơ thể, có thể không phát huy được tác dụng bổ dưỡng của nó.
- Không uống sữa đậu nành chưa được nấu chín, sẽ gây đau bụng, ngộ độc.
- Không nên giữ sữa đậu nành trong phích nước hay bình giữ nhiệt. Trong môi trường kín khí và nhiệt độ ấm có thể sinh ra vi khuẩn không có lợi làm hỏng sữa, có thể gây đau bụng khi sử dụng.
Các trường hợp không nên uống sữa đậu nành được làm trực tiếp bằng máy xay sinh tố
Những người bị viêm dạ dày, đường ruột kém
Vì đậu nành có tính hàn, khi người có đường ruột kém hoặc có vấn đề về dạ dày ( viêm dạ dày cấp, mãn tính,…) dùng sữa đậu nành sẽ kích thích dạ dày tiết ra nhiều acid hơn, khiến vấn đề tiêu hóa trở nên nặng hơn. Sữa đậu nành tự làm nguyên chất khác với sữa Fami đã qua chế biến mà các bạn đã mua ngoài quán nhé.
Những người đang dùng thuốc kháng sinh
Nếu sử dụng sữa đậu nành chung với kháng sinh như erythromycin sẽ gây ra phản ứng hóa học tạo ra dẫn chất làm giảm hiệu quả của thuốc kháng sinh. Do đó, bạn nên uống sữa đậu nành cách xa khi uống kháng sinh ít nhất khoảng 1 giờ nhé.
Những người bị sỏi thận
Chất oxalat có trong sữa đậu nành dễ kết hợp với canxi trong máu tạo thành kết tủa lắng đọng hình thành nên sỏi thận, sẽ làm tăng kích thước sỏi thận và nguy cơ gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Vì thế, những người đang bị sỏi thận không nên uống sữa đậu nành.
Những người bị Gout
Do chất purin có trong sữa đậu nành nếu như không được chuyển hóa hết sẽ tích tụ lại, làm cho bệnh gout càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Những người mắc bệnh ung thư vú
Những người có tiền sử bệnh ung thư buồng trứng, tử cung và ung thư vú thì không nên uống sữa đậu nành vì phytoestrogen trong sữa đậu nành có tác động kích thích estrogen có thể làm các tế bào ung thư này phát triển nhanh hơn.
Phụ nữ đang có thai và phụ nữ đang cho con bú
Phụ nữ đang mang thai và phụ nữ đang cho con bú, chỉ nên dùng mội ít sữa đậu nành khi thấy cần thiết. Khi đang mang thai, nếu dùng nhiều đậu nành có thể gây nguy hiểm đến sự phát triển của thai nhi.
Trên đây là cách làm sữa đậu nành và máy sinh tố mà chuyencuanang25+ muốn giới thiệu đến bạn. Bạn đã nắm rõ bí kíp tạo ra một ly sữa đậu nành thơm ngon chưa, nhớ báo cho nang25 biết nhé!