Có một chị đồng nghiệp từng nhận xét tôi rằng: “Sao mày nhìn cuộc đời lúc nào cũng màu hồng thế“, “Sao con bé này lúc nào cũng suy nghĩ lạc quan nhỉ“, “Em gái vẫn có nhiều niềm tin vào cuộc sống thế cơ à“,…
Tuy nhiên, sự thật thì không phải vậy. Những điều người khác thấy là cái tôi muốn thể hiện cho họ thấy, còn ở góc nào đó trong trái tim, tôi cũng chỉ là một cô gái nhạy cảm, dễ bị tổn tương. Tôi cũng từng nghĩ mình bị trầm cảm, từng có lúc stress mất ngủ mấy đêm liền, đôi khi lòng cứ trống rỗng bồn chồn lo lắng không lí do.
Nhưng điều may mắn là tôi không bị cuốn theo những cảm xúc tiêu cực đó. Mỗi khi đến ranh rới giữa đen và trắng, tôi sẽ tự tìm cách để vực dậy bản thân. Có lúc chỉ cần vài tiếng, vài ngày nhưng cũng khi là cả tuần, và có những nỗi đau chỉ mờ đi mà không thể nào biến mất.
Dưới đây là 5 cách tôi áp dụng để vượt qua nỗi buồn và những khủng hoảng trong cuộc sống. Hi vọng sẽ giúp đỡ được bạn:
1. Xem các video truyền động lực
Bạn có tin vào sự chỉ dẫn từ linh hồn không? Còn tôi thì rất tin.
Tôi tin rằng mỗi bước trên con đường này luôn có sự ủng hộ và giúp đỡ từ những linh hồn cổ xưa, bản ngã tối cao và cả linh hồn thân quen trong gia đình mình.

Không biết có yếu tố tâm linh tác động hay không, nhưng mỗi khi tôi buồn – tôi mất động lực hay lấn cấn điều gì đó, thì một thông điệp sẽ vô tình hay cố ý mà hiện lên trước mắt tôi bằng các cách khác nhau.
Có thể đơn giản là một video, một câu thoại ngắn, hay một câu chuyện vu vơ nào đó. Điều thần kì là những thông điệp đó luôn tác động đúng vào nỗi lo của tôi, dóng lên một hồi chuông cảnh tỉnh giúp tôi ngộ ra nhiều thứ, biết mình phải làm gì, tin vào cái gì và quyết định như thế nào.
Bạn nghĩ là điều đó là do tôi may mắn ư? Không hẳn? Để được như vậy, tôi phải thật sự tin mình đang được giúp đỡ, nghĩ về nó và chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ đó.
Đó là chính là một phần của luật hấp dẫn!
2. Đọc sách Self-help
Đây là cách cũ nhưng vẫn rất hiệu quả. Điều khó nhất ở cách này, là bạn phải tìm đúng quyển sách dành cho mình.

Với tôi, sách chính là người thầy thứ 2, mọi kiến thức và hiểu biết mà tôi tích lũy đều từ sách. Ban đầu nó có thể là những kiến thức viển vông, nhưng mỗi năm qua đi, bài học từ mỗi quyển sách đó lại khiến tôi biết ơn hơn bao giờ hết.
Một quyển sách về các tâm hồn đẹp cũng gột rữa những vết đen trong linh hồn chúng ta, làm rực rỡ hơn những mảnh sáng của cuộc sống.
Hãy tự tìm kiếm quyển sách dành cho bạn nhé!
Một số sách Self Help bạn có thể tham khảo để vượt qua nỗi buồn: Bí mật tư duy triệu phú, Hạt giống tâm hồn, Nhà giả kim, Sức mạnh tiềm thức, Bí Mật Của May Mắn.
3. Nghe nhạc
Tôi không có sở thích đặc biệt với cố định một loại nhạc nào cả. Nhưng những lúc buồn, cần tìm động lực, tôi sẽ tìm đến những bài hát yêu đời, mang màu sắc tươi sáng và truyền cảm hứng.
Có khi là bài hát “Đường tới vinh quang” của nhóm Bức Tường, hay thỉnh thoảng là những bài hát yêu quê hương đất nước mang âm hưởng dân gian. Có lúc thì tôi lại muốn nghe nhạc RAP để nghe ai đó chửi cho mình tỉnh ngộ.

Buôn chuyện một chút, gần đây nổi lên một ca sĩ thần tượng miền Tây (tôi xin không nói rõ tên), ban đầu tôi không thích bạn này lắm, những bài hát khiến bạn trở nên nổi tiếng tôi cũng không quá thích.
Nhưng một lần, tôi nghe được một list nhạc xưa của bạn, hồi còn là một ca sĩ vô danh và tôi đã thay đổi.
List nhạc đó không quá xuất xắc, nhưng mỗi câu mỗi bài hát lại vẽ lên một câu chuyện rất đời khiến tôi cảm thấy bản thân mình trong đó.
Có một đợt tôi bị nghiện, ngày nào cũng bật list nhạc đó để cảnh tỉnh bản thân. Nó như tạo một năng lượng mới, khiến tôi mỗi ngày đều cảm thấy mình thật mạnh mẽ. Sau này cứ nghe nhiều tôi cũng trở thành một người yêu quý bạn.
Rồi bất ngờ bạn vướng vào scandal (không phải phạm pháp, nhưng đối với 1 số người về mặt đạo đức thì không chấp nhận được vì bạn là một ca sĩ lớn). Nhưng tôi lại nghĩ khác, tôi nghĩ một người viết lên được những lời ca đó sẽ không phải là một người xấu.
Tôi không cho rằng bạn đúng, nhưng tôi hiểu rằng ai cũng có thể sai lầm và bạn còn quá trẻ, chỉ hi vọng bạn có thể qua bài học đó để có thể phát triển một cách rực rỡ hơn.
4. Tâm sự với người bạn tin tưởng
Ngày tôi học cấp 3 và đại học, tôi là người hướng nội và hiếm khi tâm sự với bạn bè. Vì tôi sợ bị tổn thương và cũng không đủ tin tưởng ai để chia sẻ những điều bí mật.

May mắn khi đi làm, tôi quen một nhóm bạn cùng chí hướng, cùng hoàn cảnh. Sự gần gũi và chân thành của mọi người khiến tôi bắt đầu mở lòng mình.
Khi nào buồn chỉ cần rủ nhau đi chơi, đi uống nước, rồi mấy đứa ngồi buôn 3-4 tiếng đồng hồ từ chuyện Đông sang chuyện Tây, lúc ấy cảm thấy nhẹ lòng đến lạ.
Nhưng cũng có lúc tôi lựa chọn một mình, ngồi một chỗ, lặng ngắm xung quanh, và gửi tâm sự vào con chữ.
5. Khóc để giải tỏa – vượt qua nỗi buồn
Tôi là một người rất dễ khóc, dễ đồng cảm vì những chuyện lông gà lông vịt.
Nhưng đối với những áp lực của bản thân hoặc những chuyện của gia đình, tôi thường sẽ không khóc, sẽ cố gắng nén nước mắt vào trong, tự nhắc nhở bản thân là “không sao đâu, rồi mọi thứ là tốt lên thôi”, “mày không được nghĩ tiêu cực như vậy”. Tôi phải mạnh mẽ để không làm những người thân yêu lo lắng.

Nhưng sự thật đó chỉ làm những nỗi đau được tích tụ bởi ảo giác từ sự tích cực. Nó như một quả bong bóng căng phồng, chỉ cần một tác động nhỏ, sẽ khiến nó vỡ tung.
Tôi từng ngồi một chỗ trong góc tối, khóc như chưa bao giờ được khóc, rồi tự hỏi mình khóc vì cái điều gì thế này, tại sao cái điều bé tý như vậy lại khiến nước mắt mình rơi không ngừng như vậy, rồi thật nhiều cảnh tượng dấu trong tim lại ào về như bão đến.
Lúc đó tôi mới nhận ra, mình không mạnh mẽ như mình tưởng. Vì vậy, đôi khi thừa nhận bản thân yếu đuối để đối diện nỗi đau sẽ tốt hơn là phớt lờ nó.
Đó là những cách tôi vượt qua nỗi buồn và khủng hoảng trong cuộc sống. Bạn thì sao? Bây giờ bạn có thấy đang buồn không? Và bạn sẽ làm gì tiếp đây?